A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chữa bệnh từ cây Đào

Đông y coi  cây đào là loại thực vật được sử dụng để làm thuốc nổi tiếng vì rất giàu dược tính. Toàn bộ  rễ, vỏ, cành, lá, hoa, quả, hột nhựa đều được sử dụng làm thuốc chữa trị nhiều bệnh rất hiệu quả. Đặc biệt hoa đào còn là vị thuốc được sử dụng để bào chế thành thuốc dưỡng nhan mà ngay từ thời xa xưa các triều đình Trung Hoa họ đã biết sử dụng và đã trở thành những bí quyếtchỉ lưu hành trong cung cấm để phục vụ cho vua chúa, các cung tần mỹ nữ

     Cây Đào có nguồn gốc từ Trung Quốc. Về sau trong quá trình giao lưu thương mại mà Đào đã đến được với nhiều nước như Ba Tư (Iran), Nhật Bản, Việt Nam và các nước thuộc Châu Á, khu vực Địa Trung Hải, Châu Âu và Bắc Mỹ v.v.

 

Đào có tên khoa học là Prunus persica, thuộc họ Rosaceae là loại cây trồng để lấy hoa và quả, sớm rụng lá, có thân gỗ nhỏ cao tới 5 – 10m, vỏ thân xù xì. Lá mọc so le có hình mũi mác dài 7 – 15cm, rộng 2 – 3cm, mép lá có khía răng cưa. Cây đào mỗi năm chỉ ra hoa có một lần vào đầu mùa xuân trước khi nảy lộc, là loại hoa đơn hay có đôi, đường kính 2,5 – 3cm màu hồng với 5 cánh hoa. Quả hạch, có một hạt to, vỏ hột cứng, trong có nhân hình trái tim gọi là đào nhân, hạt đào được bọc trong lớp cùi dày màu vàng hay ánh trắng, mùi vị thơm ngon, lớp vỏ ngoài của quả đào có lông tơ mịn mềm như nhung.

Trong đông y coi cây đào là loại thực vật được sử dụng để làm thuốc nổi tiếng vì rất giàu dược tính. Toàn bộ cây đào như rễ, vỏ, cành, lá, hoa, quả, hột nhựa đều được sử dụng làm thuốc chữa trị nhiều bệnh rất hiệu quả. Đặc biệt hoa đào còn là vị thuốc được sử dụng để bào chế thành thuốc dưỡng nhan mà ngay từ thời xa xưa các triều đình Trung Hoa họ đã biết sử dụng và đã trở thành những bí phương chỉ lưu hành trong cung cấm để phục vụ cho vua chúa, các cung tần mỹ nữ. Ngoài ra đào còn có công năng trừ phong, hoạt huyết, giảm đau, lợi niệu, sát khuẩn.

 

Theo đông y thì quả đào giúp sinh tân dịch, nhuận tràng, hoạt huyết, hạ huyết áp, chữa chứng khó thở, ho ra đờm, tiêu ứ; có tác dụng chữa chứng khó thở, chữa táo bón, kinh nguyệt không đều.

 

Hoa đào thì tính bình, vị đắng, có tác dụng thông tiểu tiện, hoạt huyết, nhuận tràng (hoa đào tươi sử dụng tốt hơn hoa đào khô). Theo “Bản Thảo Cương Mục” của Lý Thời Trân (Trung Quốc) còn nói công năng của hoa đào làm thông đại tiện rất nhanh, tiêu tích trệ, trị phù thũng...

Lá đào vị đắng, tính bình, tác dụng làm tan huyết tụ, giảm đau, lợi tiểu, chống dị ứng, sát khuẩn, chữa lở ghẻ, sưng ngứa, ngâm chữa đau chân.

Nhựa đào sử dụng làm thuốc chữa đái ra dưỡng chấp và đái tháo đường.

 

Thông thường đào được sử dụng khi còn tươi hoặc phơi khô. Nó có tác dụng hoạt huyết, tiêu ứ chậm, nên thích hợp dùng cho phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt. Ngày hè khát nước, táo bón (bao gồm cả chứng táo bón do cơ thể người già hư nhược hay ruột khô), những người đau bụng kinh hoặc tắc kinh đều có thể sử dụng. Các thiếu nữ trong giai đoạn đầu mới hành kinh, các kỳ kinh còn chưa đều đặn thì nên ăn đào hoặc mứt đào khô sẽ có lợi. Những người hay đau bụng do ăn nhiều đồ lạnh nếu sử dụng đào càng thích hợp.

 

Thật là tuyệt vời, mỗi khi đào trổ hoa là báo hiệu mùa xuân đến, hoa đào nở lại trang điểm cho cảnh sắc ngày xuân thêm tươi đẹp lạ thường, Đào còn là một vị thuốc quý và hữu ích cho con người.

 

Dưới đây xin trình bày những phương thuốc trị liệu nhiều bệnh chứng đạt hiệu quả từ cây đào.

 

Thuốc từ hoa cây đào

 

Chữa chứng táo bón, nhuận tràng, thông tiện: Lấy cánh hoa đào tươi 4g, gạo tẻ 100g, nấu thành cháo loãng ăn, cách 1 ngày ăn 1 lần.

Chữa tiểu tiện không thông ở phụ nữ đang mang thai: Lấy hoa đào tươi 5 bông, tôm nõn 10g, chân giò lợn hun khói 10g, trứng gà 4 quả, gia vị vừa đủ. Ngắt lấy từng cánh hoa đào rửa sạch, vẩy ráo nước, thái thành sợi nhỏ. Tôm nõn rửa sạch cho gia vị, rượu vào hấp chín, cắt nhỏ. Chân giò hun khói và gừng cùng cắt nhỏ. Trứng gà đập ra bát đánh tan, cho vào nước dùng rượu, mì chính, gia vị, bột hồ tiêu sọ, muối tinh, tinh bột ướp, lại đánh tiếp cho đều. Sau đó đặt chảo trên bếp chờ nóng bỏ mỡ vào và thả gừng phi cho dậy mùi thì vớt ra, tiếp theo đổ trứng gà đã đánh sẵn, đảo xào chín, xúc ra đĩa mới rắc sợi hoa đào và tôm nõn cùng chân giò hun khói lên trên là xong. Ăn hết. Ngày ăn 1 lần.

 

hoa-dao-lam-thuoc

Hoa đào có thể chữa được bệnh

 

Chữa hậu sản, đại tiện không thông: Hoa đào, hạt vông vang, hoạt thạch, hạt cau già. Mỗi thứ có lượng bằng nhau. Phơi khô tán thành bột mịn. Mỗi lần uống 5 – 6g với nước sắc của hành trắng vào lúc đói bụng. Ngày ăn 2 lần.

 

Chữa đại tiểu tiện bí kết, hoạt huyết: Nấu cháo hoa đào, gạo tẻ 60g, hoa đào tươi 5 – 10g, mật ong 5g, đường 10g. Ngày ăn 1 – 2 lần.

Làm đẹp: Hoa đào còn chúm chím chưa nở (phơi nơi râm mát để khô tự nhiên), nghiền nát rồi trộn với máu gà ác vào ngày thượng tuần tháng 7 (tức ngày 7 tháng 7 âm lịch), hàng ngày rửa sạch mặt bằng nước ấm, để khô rồi bôi lên mặt, lưu lại qua đêm, sáng dậy rửa sạch mặt. Sử dụng trong 2 – 3 ngày liền sẽ làm cho da mặt trắng trẻo hồng hào tươi tắn.

 

Chữa các vết nám, tàn nhang trên mặt: Lấy hoa đào còn chưa nở cùng hoa mai, hai thứ có lượng như nhau, sắc lấy nước để rửa mặt, như vậy sẽ làm bay các vết nám, tàn nhang trên da mặt trả lại làn da trắng trẻo tươi mát.

Chữa nám tàn nhang trên da mặt theo “Thiên kim dực phương”: Lấy nụ đào gần nở để tự khô trong bóng râm 250g, Bạch chỉ 30g. Cho hai thứ ngâm trong 1.000ml rượu trắng để sau 30 ngày lấy ra dùng. Mỗi tối trước khi đi ngủ uống 30ml, sau mỗi lần uống lại cho một ít rượu này vào lòng bàn tay để xoa lên da mặt. Chỉ cần làm như vậy sau 1 tháng các nốt và vết nám sẽ biến dần và mất hẳn, trả lại làn da mềm mại trắng trẻo và tươi mát.

 

Thuốc từ quả cây đào

 

Chữa mệt mỏi, ho hen: Lấy quả đào gọt sạch vỏ cho đường phèn vào cùng rồi hấp cách thủy, sau ăn. Ngày ăn 1 – 2 lần, trong 2 – 3 ngày liền.

Trị ho lao phổi: Đào tươi 3 quả, gọt bỏ vỏ ngoài. Cho vào 30g đường phèn rồi hầm cách thủy bao giờ thấy quả đào nát ra, bỏ hạt, ăn hết, mỗi ngày ăn 1 lần.

Chữa cao huyết áp: Ăn cùi đào tươi (gọt vỏ, bỏ hạt), ngày ăn 2 lần vào sáng và tối. Mỗi lần ăn 1 – 2 quả.

Chữa ho do lao lực, kinh nguyệt không đều: Lấy vài quả đào tươi chín, gọt bỏ vỏ, cho xay nhuyễn, rồi cho vào chút mật hay đường đỏ đánh đều và ăn. Ngày ăn 1 – 2 lần, cần ăn 5 – 7 ngày liền.

 

Chữa yếu phổi, hen, thở gấp ra mồ hôi trộm: Đào chín tươi 1 quả, bỏ hạt xay nhuyễn, cùng 50g gạo tẻ nấu thành cháo, ăn ngày 2 lần vào các buổi sáng và buổi tối với đường trắng.

 

Chữa táo bón, khô miệng, lưỡi khô, cao huyết áp: Lấy đào tươi đã chín rửa sạch, ăn sống mỗi lần vài quả, ngày ăn 2 lần thời gian tùy ý.

Chữa thổ huyết, vã mồ hôi, trừ lỵ: Lấy quả đào khô không hạt (gọi là đào nô hay đào khô lép tức là quả đào đơn tính nhỏ quắt, không hạt) sắc lấy nước uống.

 

Chữa lị, giảm sốt: Dùng 40 – 60g quả đào khô lép màu xanh lục, cho 1 bát rưỡi nước sắc lửa to đến sôi còn lại nửa bát cho người bệnh uống.

Chữa ra mồ hôi trộm: Dùng 9 quả đào khô lép, cùng 30 cọng lúa nếp, cho nước sắc đặc uống thay trà trong ngày.

Chữa phù thũng: Đào tươi mỗi lần ăn 2 quả, ngày ăn 2 – 3 lần. Cần ăn nhiều ngày.

 

Thuốc từ nhân hạt đào

 

Chữa ho hen khó thở: Lấy nhân hạt đào 30g giã nhỏ, gạo nếp 100g, đổ nước nấu nhừ thành cháo và ăn ngày 1 – 2 lần trong vài ba ngày.

Chữa ngủ mê, bóng đè: Lấy 7 cái nhân hạt đào rang vàng rồi nhai nuốt. Ăn như vậy vài ngày khắc khỏi.

 

Chữa kinh nguyệt không đều, thống kinh: Đào nhân 8g, Hồng hoa 6g, Ngưu tất 9g, Tô mộc 8g, Mần tưới 6g, Khương hoàng (nghệ vàng) 8g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần. Cần uống liền 3 ngày và trước kỳ kinh 5 ngày.

 

Chữa chấn thương do té ngã hay đòn đánh: Đào nhân 9g, Xuyên khung 4g, Đương quy 9g, Kinh giới 9g, Đại hoàng 9g, Quế tâm 4g, Cam thảo 3g, Bồ hoàng 6g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Cần uống liền 3 thang. Phụ nữ có thai không được sử dụng thang thuốc này.

 

Thuốc từ lá cây đào:

 

Chữa ghẻ lở, ngứa hậu môn, âm đạo: Lấy lá đào nấu nước tắm rửa nhiều lần sẽ khỏi bệnh.

Chữa vết thương sưng đau: Lấy lá đào tươi sắc lấy nước đặc hay giã vắt lấy nước cốt rồi bôi vào vết thương đang sưng đau rất hiệu quả.

Trị mụn nhọt ở trẻ em: Lấy lá đào non cùng lá mướp non (lượng mỗi thứ bằng nhau), cứ 50g hỗn hợp hai loại lá này thì cho vào 3g phèn chua giã nhuyễn bôi lên nơi mụn nhọt chỉ vài lần sẽ khỏi.

 

Phòng lên cơn sốt rét: Lấy 7 lá đào non tươi, cùng 7 hột hồ tiêu. Hai thứ nghiền nát vo viên, vào thời điểm trước 3 giờ lên cơn sốt, lấy viên này đắp (băng rịt lại) lên chỗ bắt mạch ở động mạch trên cổ tay của người bệnh, có thể phòng trị được cơn sốt sảy ra.

 

Thuốc từ rễ, cành, vỏ cây đào:

 

Chữa bế kinh, trĩ, hoàng đản, chảy máu cam: Dùng rễ đào rửa sạch, sắc lấy nước uống ngày 2 lần vào sáng, chiều. Cần uống 5 – 7 ngày liền.

Chữa nhiệt dạ dày, vàng da do viêm gan, dứt đau tim, đau bụng: Lấy rễ, cành, vỏ cây đào lượng vừa đủ sắc lấy nước uống ngày 2 – 3 lần.

 

Chữa ung thư cổ tử cung: Lấy cành đào chừng 0,6 – 0,9m (khoảng 250g), lưu ý phải lấy cành đào mới mọc trong năm vẫn còn nguyên cuống lá. Khi lấy chỉ dùng tay bẻ hoặc mảnh sành mà cắt chứ không được lấy đồ kim loại. Trứng gà 3 quả. Bẻ khúc cành đào ra dài chừng 3,3cm, cho vào luộc chung với trứng gà bằng nồi đất (không sử dụng nồi kim loại để luộc) trong 3 giờ đến khi thấy vỏ trứng gà chuyển sang màu nâu sẫm, lòng trắng trứng có màu vàng nhạt là đạt. Mỗi lần ăn 1 quả. Ngày ăn 3 quả vào sáng, trưa, tối.

 

than-cay-dao-lam-thuoc

Cành đào được dùng để chữa bệnh ung thư

 

Sát khuẩn: Nếu sử dụng nước thuốc nấu từ rễ, cành, vỏ cây đào làm nước tắm có thể tránh được nấm ngoài da, sát khuẩn vết thương, tránh được lây nhiễm.

Trị đau tim đột ngột, nhờ tác dụng hoạt huyết, thông ứ: Lấy 1 cành đào, thái nhỏ cho vào 500ml rượu đun sôi (nhỏ lửa) đến khi còn lại 0,5ml thì cho bệnh nhân uống ngay.

 

Thuốc từ nhựa cây đào

 

Chữa đái ra dưỡng chấp: Nhựa đào 6g, Dây tơ hồng 30g. Tán nhỏ nhựa cây đào, chia ra 3 phần. Dây tơ hồng sắc với 300ml nước, sau cũng chia nước thuốc này ra làm 3 phần. Ngày uống 3 lần, mỗi lần uống 1 phần nhựa đào cùng với 1 phần nước thuốc dây tơ hồng. Cần uống liền 5 – 7 ngày.

Cần lưu ý: Quả đào tính ôn, vì vậy khi ăn nhiều dễ gây chướng bụng, nổi nhọt. Bởi vậy trong “Điền Nam bản thảo đồ thuyết” có viết: Nếu ăn nhiều sẽ ảnh hưởng đến tỳ và sinh nhiệt, gây ra chướng bụng, nổi mụn nhọt. Trong “Tùy tức cư ẩm thực phả” cũng viết: ăn nhiều sẽ gây nhiệt, nổi mụn nhọt, kiết lị.

 

Lưu ý : Đây là bài thuốc sưu tập, quý khách không tự ý làm theo nếu không có sự chỉ dẫn của bác sĩ

Theo : Caythuocquy

Ảnh : internet


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • Chia sẻ
Tin liên quan