A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chặng đường không dễ đi sau 10 năm gia nhập WTO

“Hội nhập: Thách thức và cơ hội” phát sóng ngày 31 tháng 5 năm 2017 là chương trình đặc biệt đánh dấu chặng đường 10 năm tham gia và hội nhập vào WTO của Việt Nam với khách mời là ông Pascal Lamy – Nguyên Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại thế giới WTO.

Nhìn lại chặng đường 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ hơn nhờ mở rộng quan hệ và chính sách đổi mới.

Cùng với đó, việc mở cửa thị trường đã đem lại nhiều lợi ích, giúp các nước tìm được vị trí của mình trong nền kinh tế.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, việc gia nhập WTO chính là “mở cánh cửa lớn” để Việt Nam bước vào “sân chơi” toàn cầu.

 

10 năm qua được đánh giá là giai đoạn có nhiều cuộc khủng hoảng quốc tế và tất cả có sự ảnh hưởng không nhỏ tới nền kinh tế cũng như hội nhập quốc tế của Việt Nam. Tuy nhiên với những cải cách từ bên trong, với những chính sách đa phương, đa dạng hóa về kinh tế, thương mại và đầu tư với gần 200 quốc gia, Việt Nam đã đạt nhiều kết quả quan trọng, có ý nghĩa thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế cũng như hội nhập quốc tế.

 

 

Tuy nhiên, sau 10 năm tăng trưởng kinh tế, đất nước chủ yếu vẫn phụ thuộc vào xuất khẩu, con số xuất khẩu vẫn tập trung phần lớn vào những doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài FDI. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều hạn chế về thể chế, yếu kém trong tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Những tồn tại này, cùng với xu hướng bảo hộ đang có dấu hiệu gia tăng ở những đối tác rất lớn của Việt Nam như Mỹ và Châu Âu đang đặt ra cho Việt Nam không ít thách thức. Vậy chúng ta cần tập trung vào những ưu tiên nào để tận dụng tốt hơn nữa những cơ hội do WTO mang lại trong thời gian tới?

 

Ông Roberto Azevedo, Tổng Giám đốc Tổ chức thương mại WTO tin rằng, Việt Nam sẽ luôn là đối tác quan trọng của WTO cũng như WTO sẽ luôn nằm trong một phần chiến lược phát triển của Việt Nam. Bởi theo ông, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp khoảng 90% GDP của Việt Nam (so với trước đây là 33% GDP), đây được coi là tỉ trọng rất lớn. Hơn nữa, Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao bởi đã đóng góp nhiều vào việc đàm phán những hiệp định nhằm giảm rào cản thương mại.

 

Khách mời của chương trình lần này, Nguyên Tổng Giám đốc WTO, ông Pascal Lamy đã nhận định 3 điểm lớn nhất mà kinh tế Việt Nam đạt được sau 10 năm gia nhập WTO. Đó chính là nhận được số lượng lớn đầu tư trực tiếp nước ngoài của nhiều quốc gia, tốc độ tăng trưởng bình quân cao (6 – 6.5%) và tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng mà vẫn đang tiếp tục được thúc đẩy.

 

Cũng theo ông, vấn đề không phải là việc Việt Nam xuất khẩu được bao nhiêu mà quan trọng là xuất khẩu đóng góp được bao nhiêu cho nền kinh tế. Ông nói: “Nếu xuất khẩu nhiều mà nhập khẩu cũng nhiều thì lĩnh vực thương mại sẽ không mang lại nhiều giá trị cho nền kinh tế. Vấn đề là việc nhập khẩu phải giúp tăng giá trị gia tăng cho ngành sản xuất trong nước rồi sau đó mới xuất khẩu thì đó mới là điều quan trọng cho Việt Nam, nhất là trong 3 lĩnh vực xuất khẩu chính: điện tử, may mặc và thực phẩm”.

Lời khuyên của ông dành cho Việt Nam là nên lắng nghe doanh nghiệp về ngắn hạn để tạo cho họ những điều kiện, khuôn khổ cho đầu tư kinh doanh và một hệ sinh thái kinh doanh minh bạch; về trung và dài hạn, Việt Nam cần phải đầu tư vào con người, giáo dục, khoa học công nghệ cũng như sáng tạo.

 

Theo Bộ Công Thương, kể từ năm 2007 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng bởi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, khủng hoảng nợ công song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,29%/năm.

GDP bình quân đầu người tăng từ 730 USD vào năm 2006 lên 2.228 USD vào năm 2015 và đạt 2.445 USD vào năm 2016. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp.

Cũng theo Bộ Công Thương, đáng chú ý, kể từ khi trở thành thành viên của WTO, mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đều đạt từ 12-14%/năm và chỉ có dấu hiệu giảm sút trong thời gian ngắn gần đây. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2016 cũng tăng gấp 3,5 lần so với năm 2006. Đây là những con số cho thấy khi tham gia vào WTO, nền kinh tế Việt Nam đã không bỏ lỡ những cơ hội có được từ sự kiện mang tính lịch sử này.

 

 


 


Ngoài ra, sau 10 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã thu hút hơn 22.000 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 300 tỷ USD. Đặc biệt, nhiều tập đoàn hàng đầu trên thế giới đã chọn Việt Nam làm “cứ điểm” sản xuất như Samsung, LG, Toyota, Honda, Canon…

Không những thế, đến nay cũng đã có 12 Hiệp định thương mại tự do (FTA) đa phương và song phương giữa Việt Nam với các đối tác lớn trên thế giới được chính thức ký kết, hoặc kết thúc đàm phán như: FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)...; trong đó có những FTA thế hệ mới có phạm vi cam kết rộng và mức độ cam kết cao như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Bên cạnh các FTA đã được ký kết hoặc đã kết thúc đàm phán, Việt Nam còn đang tiếp tục đàm phán thêm 4 FTA; trong đó có Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) - được dự đoán là một FTA thế kỷ, quy định các hoạt động thương mại của toàn vùng ASEAN.

Các FTA đang mở ra không gian cho Việt Nam phát triển mạnh mẽ, có quan hệ thương mại tự do với 55 đối tác trên thế giới, bao gồm các nước G7 và 15/20 thành viên nhóm G20.

Nhận định về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại, Trưởng đoàn đàm phán WTO của Việt Nam Lương Văn Tự cho rằng sau khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp Việt Nam đã biết tận dụng cơ hội khi vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh. Qua đó, phần nào học hỏi, chuyển giao được công nghệ và kỹ năng quản lý từ các tập đoàn lớn đến từ các quốc gia phát triển như Hoa Kỳ, Nhật Bản…

Hơn nữa, áp lực cạnh tranh từ khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới này cũng giúp các doanh nghiệp trong nước trưởng thành hơn rất nhiều. Không ít doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường, liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài để đẩy mạnh hàng hóa, thúc đẩy xuất khẩu.

Tuy nhiên, hạn chế của nền kinh tế vẫn còn ở việc tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp nhà nước chậm, nhiều nơi vẫn dở dang. Lực lượng lao động tuy đông nhưng chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền kinh tế về trình độ ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, năng suất lao động…

Ông Trần Đăng Phúc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, chia sẻ để có thể hội nhập sâu vào thị trường quốc tế, không còn con đường nào khác, các doanh nghiệp Việt Nam phải có chiến lược đầu tư để nâng tầm thương hiệu, nâng cao trang thiết bị sản xuất, sử dụng công nghệ tiên tiến tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường.

Nhờ nỗ lực của cả tập thể mà 10 năm qua, hàng hóa sản phẩm của công ty đã vươn ra nhiều thị trường trên thế giới; trong đó chinh phục được cả những thị trường khó tính như Australia, New Zealand, Hong Kong (Trung Quốc) và Nhật Bản.

Ông Pascal Lamy, nguyên Tổng Giám đốc WTO, nhấn mạnh Việt Nam là một ví dụ thành công về tiến trình hội nhập mà ở đó, Việt Nam đã khai thác được nhiều lợi thế so sánh về chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động. Các ngành hàng mà Việt Nam chiếm ưu thế lần lượt là điện tử, dệt may, nông sản.

Theo ông Pascal Lamy, Việt Nam phát triển nhiều nhờ mở rộng quan hệ, chính sách đổi mới. Việc mở cửa thị trường đã đem lại nhiều lợi ích, giúp các nước tìm được vị trí của mình trong nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng 10 năm gia nhập WTO chưa phải là một chặng đường dài nhưng đầy cơ hội và thử thách với các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Điều này thể hiện qua việc tỷ trọng thương mại dịch vụ trong GDP hàng năm giữ vững từ 40 đến 45%; tốc độ tăng trưởng bình quân luôn đạt ở mức gần 7% năm, cao hơn mức tăng trưởng GDP trung bình năm.

Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, việc tham gia WTO không chỉ đánh dấu sự phát triển quan trọng của Việt Nam thông qua khung khổ hội nhập với kinh tế toàn cầu và thế giới, mà còn là nền tảng hướng tới phát triển kinh tế - xã hội hiện đại, bền vững với những đường hướng và mục tiêu rõ nét.

 

 

Chương trình “Hội nhập: Thách thức và Cơ hội” được phát sóng vào khung giờ 22h45 – 23h15, Thứ tư hàng tuần với thời lượng 30 phút /1 số. Chương trình có sự đồng hành của Tổng công ty Khí Việt Nam PVGas – CTCP, Công ty TNHH MTV My Health, Công ty CP Peacelife Việt Nam, Trung tâm thông tin VIBIZ.VN.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
  • Chia sẻ
Tin liên quan