Bài thuốc chữa bệnh từ cây mã đề
Tác dụng chữa bệnh của cây mã đề
- Mã đề là cây thân thảo, cao độ 10-15cm, lá có cuống dài, hình trứng đầu tù, hơi có mũi nhọn. Mã đề có phiến lá hình thìa, đôi khi hình trứng, có gân hình cung dọc theo sống lá và đồng quy ở ngọn và gốc lá. Thành phần hoá học cây có chứa glucosid. Lá có chất nhầy, chất đắng, chứa caroten, sinh tố C, K, T, acid citric.
- Mã đề (đặc biệt là phần lá) có tác dụng lợi tiểu, tăng thải trừ urê, axit uric và muối trong nước tiểu. Do đó, có thể dùng nó để hỗ trợ điều trị chứng tăng huyết áp bên cạnh các thuốc đặc hiệu. Hạt mã đề được sử dụng trong một số bài thuốc hiệu quả chữa sỏi đường tiết niệu. Mã đề được dùng làm thuốc thông tiểu, chữa ho lâu ngày, viêm khí quản, tả lị, đau mắt đỏ.
Cây Mã Đề ( Ảnh : internet )
***Một số bài thuốc từ cây mã đề
Với người lớn tuổi thường mắc chứng tiểu đêm, đi tiểu nhiều lần hoặc khó tiểu tiện, có thể dùng cây mã đề để điều trị.
Cách chế biến: Đem cây mã đề tước bỏ phần rễ, rửa sạch rồi giã nát, vắt lấy nước khoảng 1 chén; hòa thêm mật ong vào nước thuốc để uống.
Nếu người già đi tiểu ra máu do nhiệt thì áp dụng bài thuốc sau:
- Dùng hạt mã đề (30-50g) nấu với 600ml nước, sắc lại còn 300ml.
Dùng nước này nấu với 100g hạt kê thành món cháo kê, ăn vào lúc đói bụng, kì công nhưng công dụng rất tốt.
Mã đề còn được dùng chữa trị chứng phù thũng và nhiệt tả:
Lấy hạt mã đề, ý dĩ (mỗi thứ từ 300-500g) trộn đều, sao qua lửa rồi đem tán thành bột. Mỗi ngày uống thuốc 3 lần, mỗi lần dùng khoảng 10g bột hoà với nước uống vào trước bữa ăn.
Chưa hết, nếu kết hợp mã đề với mía lau, tía tô và rễ tranh đun nước uống hằng ngày có tác dụng thanh nhiệt cơ thể. Trộn mã đề với kim ngân nấu nước uống giúp sáng mắt.
Đối với phụ nữ kinh nguyệt không đều, huyết kết gây nên những cơn đau bụng kéo dài
- Nên uống nước mã đề để thông kinh và giảm đau. Phụ nữ nên uống thuốc 3 ngày trước khi tới chu kì sẽ phát huy tác dụng nhiều hơn. Với những vết thương hở, dùng cây mã đề giã nát đắp vào vết thương để cầm máu.
Theo Vnexpress
Ảnh : internet