Chiến lược Phòng chống viêm gan virus ở nước ta
Tiến sĩ Đinh Quý Lan, Chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam
PHẦN THỨ I : Đại dịch viêm gan virus trên thế giới.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh bảo trước tất cả các quốc gia trên thế giới về tác hại nghiêm trọng của dịch viêm gan virus đối với sức khỏe của toàn thể nhân loại, vì đại dịch viêm gan virus B đã lây nhiễm cho 2 tỷ người, 200 triệu nguwoif nhiễm virus viêm gan C; mỗi năm các loại virus viêm gan đã gay ra cái chết cho hơn 1 triệu người, như vậy mỗi ngày trên toàn Thế giới có khoảng 3 nghìn người chết. Đây là một loại đại dịch âm thầm, lặng lẽ, diễn biến hết thập kỷ này qua thập kỷ khác, gây ảnh hưởng nghiêm trọng không chỉ đối với sức khỏe mà còn đối với đời sống xã hội của tất cả các quốc gia. Tuy nhiên nhiều quốc gia, các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa lưu tâm đúng mức để có thể kiểm soát và phòng ngừa bệnh viêm gan virus; bên cạnh đó nhiều người dân vẫn chưa có nhận thức đầy đủ tính chất nguy hiểm dẫn dến tử vong vì xơ gan hoặc ung thư gan; chưa biết được cách lây truyền, cách tự bảo vệ, cách tự chăm sóc và điều trị khi bị nhiễm bệnh. Để huy động mọi quốc gia, mọi người trên toàn thế giới cảnh giác và tăng cường phòng chống viêm gan virus WHO quyết định lấy ngày 28/7 hàng năm là ngày phòng chống viêm gan virus toàn thế giới.
PHẦN THỨ II : Thực trạng dịch viêm gan virus ở nước ta
Việt Nam là 1 trong 9 quốc gia vùng tây Thái Bình Dương đang phải đối mặt với đại dịch viêm gan virus vì tỷ lệ nhiễm virus cao.
Nhà nước cũng như ngành Y tế đã có nhiều quan tâm phòng chống loại dịch bệnh này, vì vậy những năm gần đây chúng ta đã đạt được 1 số kết quả bước đầu. trong 10 năm trở lại đây, trên 50% trẻ sơ sinh được tiêm vacxin phòng viêm gan B, do vật tỷ lệ nhiễm virus viêm gan đã giảm rõ rệt. phong trào vệ sinh yêu nước được triển khai từ từ thành thị đến nông thôn, vì vậy khoảng 30 năm nay dịch viêm gan A và viêm gan E đã được ngăn chặn. bên cạnh đó kỹ thuật ghép gan đã được phát triển ở một số bệnh viện lớn. Năm 2012 lần đầu tiên phong trào toàn dân chung tay “đánh gục” virus viêm gan đã được phát động trong cả nước. Phong trào đang thực sự đi vào cuộc sống, bước đầu đã thu được một số kết quả: khám và xét nghiệm cho hơn 2,98 triệu người; phát hiện gần 106 nghìn người nhiễm virus viêm gan B, hơn 13 nghìn người nhiễm virus viêm gan C và 2383 người ung thư gan nguyên phát. Để đẩy mạnh việc chăm sóc và điều trị cho những người nhiễm virus viêm gan B và C, Hội Gan Mật Việt Nam đã họp các chuyên gia gan mật trong cả nước để xây dựng bản hướng dẫn điều trị , giúp cho đội ngũ Bác sỹ từ trung ương đến địa phương. Tại nhiều tỉnh thành phố Hội gan mật địa phương đã cùng với các cơ sở y tế tuyên truyền vận động những người chưa được khám và xét nghiệm viêm gan cần đến cơ sở y tế khám và xét nghiệm, đồng thời tiến hành sàng lọc phát hiện những người đang bị viêm gan virus, xơ gan hoặc ung thư gan để được hướng dẫn điều trị, hạn chế thấp nhất tỷ lệ tử vong. Hoạt động ở các địa phương có nhiều cách tổ chức khác nhau trong đó có hoạt động của tỉnh Kiên Giang là một mô hình đáng được nhân rộng ra toàn quốc. Tỉnh Kiên Giang có hội bảo trợ bệnh nhân nghèo phối hợp với Hội Gan Mật của tỉnh và bệnh viện đa khoa tỉnh điều trị miễn phí cho 100 người bệnh viêm gan virus C mạn tính, trong đó phần lớn là bệnh nhân nghèo. Để đẩy mạnh phong traò toàn dân chung tay “đánh gục”virus viêm gan, Hội Gan Mật Việt Nam phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt nam phát động cuộc thi tìm hiểu bệnh viêm gan virus. Cuộc thi đã nhận được nhiều bài dự thi của đông đảo bạn đọc tham gia, trong đó có nhiều bài dự thi của người cao tuổi, người ở vùng xa xôi hẻo lánh, các vùng dân tộc từ Cao Bằng, lạng Sơn cho đến đất mũi Cà Mau…
Chúng ta đã và đang cố gắng ngăn chặn đại dịch viêm gan virus, song hiện nay căn bệnh này vẫn đnag diễn biến phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng, chưa khống chế sự lây lan, tiến triển bệnh dẫn đến tử vong. Theo WHO có 5 loại virus viêm gan đó là Virus A,B,C,D,E, trong đó có virus B và virus C là nguy hiểm nhất. loại virus A và virus E thường lây nhiễm do ăn uống những thực phẩm hoặc nước không đảm bảo vệ sinh, nước ta khoảng 30 năm nay không thấy 2 loại virus này gây ra các vụ dịch lớn. Đối với virus viêm gan D là loại lây nhiễm theo đường máu, loại virus này không thể gây bệnh viêm gan, nó chỉ gây ra bệnh viêm gan khi kết hợp với virus viêm gan B. Nhiễm virus viêm gan B ước tính từ 10-20% dân số, như vậy cả nước có khoảng từ 12-16 triệu người, trong số đó có khoảng 5 triệu người trong tình trạng viêm gan virus mạn tính, xơ gan hoặc ung thư gan. Viêm gan virus B chủ yếu lây truyền theo đường máu, nhưng người được truyền máu hoặc sản phẩm máu sẽ bị nhiễm virus viêm gan B nếu máu và sản phẩm máu có virus viêm gan B, đây là đường lây truyền có thể diễn ra từ các bệnh viện trung ương đến các trạm y tế xã. Để ngăn chặn đường lây truyền này cần phải trang bị các kỹ thuật tiên tiến bậc cao, để xét nghiệm những người cho máu, tiến tới loại trừ 100% những người bị nhiễm virus không được cho máu; một đường lây truyền quan trọng nữa, là đường lây truyền từ mẹ sang, ở nước ta số phụ nữ mang thai bị nhiễm virus viêm gan B có tỷ lệ từ 10-12%, như vậy hàng năm số trẻ sinh ra khoảng 1,6 triệu cháu do các bà mẹ có nhiễm virus viêm gan, số trẻ em này được phân làm 2 nhóm, nhóm 1 là những bà mẹ chưa có viêm gan(60%), 10 % số trẻ này có thể bị viêm gan virus(khoảng 6.600 trẻ); nhóm 2 số trẻ sinh ra từ các bà mẹ bị viêm gan (40%), 90% số trẻ này có thể bị viêm gan. Cả hai nhóm gộp lại sẽ có 60.480 trẻ bị viêm gan virus, trong số này có 25 % sẽ bị xơ gan hoặc ung thư gan, với con số cụ thể 15.120 cháu tiến đến tử vong. Với cách lây truyền bằng đường máu, đường mẹ sang con, qua đường tình dục không an toàn hoặc tiếp xúc với các dịch tiết qua các vết xước…Có những gia đình 3-4 người đều bị viêm gan virus B; bệnh viêm gan virus hiện nay đã có 7 loại thuốc để điều trị, kết quả điều trị tốt đã đạt được khoảng 80%, nhưng thời gian điều trị kéo dài hàng năm, có những bệnh nhân phải điều trị hết năm nay qua năm khác, đa số bệnh nhân ở nông thôn hoặc vùng sâu vùng xa có thu nhập thấp do vậy không đủ tiền để chi phí cho điều trị mỗi tháng từ 3,5 triệu đến 4 triệu, do vậy phải đành chịu tử vong. Cách dự phòng có hiệu quả nhất là tiêm phòng vacxin viêm gan B cho trẻ sơ sinh và cho những người có yếu tố nguy cơ cao: nhân viên y tế, nhân viên trong trại cai nghiện hoặc trại phục hồi nhân phẩm.
Đối với viêm gan virus C hiện nay chưa có vacxin tiêm phòng, do vậy chỉ có biện pháp phòng tránh lây lan theo đường máu, đường quan hệ tình dục, đường tiếp xúc với máu và dịch tiết của người viêm gan. Theo thống kê thế giới có tỷ lệ nhiễm virus C khoảng 3% dân số, nước ta hiện nay có khoảng 4,5 triệu người nhiễm virus C, trong số đó có khoảng hơn 3 triệu người trong tình trạng viêm gan, xơ gan hoặc ung thư gan. Vấn đề điều trị viêm gan C rất tốn kém, tùy bệnh nặng nhẹ 1 bệnh nhân phải chi phí từ 60 triệu đồng đến 200 triệu trong 1 năm, thuốc chữa trị hiện nay chưa được Bảo hiểm y tế đưa vào danh mục chi trả, phần đông bệnh nhân phải bó tay chấp nhận số phân chờ chết. không chỉ thuốc và các dịch vụ y tế khác giá quá cao so với thu nhập của người dân, một xét nghiệm HBV-DNA khoảng 700.000đ, HCV-RNA khoảng 900.000đ, phân loại Genotype vào khoảng 2 triệu đồng…Từ những khó khăn trong phòng bệnh cũng như chữa bệnh, nên số tử vong có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê chuyên ngành ung thư của WHO thì năm 2008, tử vong do ung thư gan nước ta 21.748 người, gấp 2 lần so với chết do tai nạn giao thông năm 2012. Số bệnh nhân bị viêm gan virus trên 8 triệu người so với số bệnh nhân nhiễm HIV-AIDS 210.000 người (năm 2012) con số tử vong liên quan đến virus viêm gan do xơ gan, ung thư gan, viêm gan virus cấp và mạn tính phối hợp với bệnh lao phổi, đái đường, tăng huyết áp, suy thận… đã gây ra cái chết cho hơn 10 vạn người mỗi năm.
PHẦN THỨ III Các giải pháp chiến lược
Trong bối cảnh dịch bệnh liên miên lan tràn khắp nơi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng trực tiếp đến phong trào xây dựng nông thôn mới, chính sách xóa đói giảm nghèo (20 triệu người nhiễm virus, có khoảng 14 triệu người là nông dân). Ban lãnh đạo Hội Gan Mật Việt Nam đã họp, thảo luận tìm biện pháp đẩy mạnh phong trào toàn dân chung tay “đánh gục” virus. Để đạt được kết quả như mục tiêu đã đề ra, cần phải tiến hành vận động theo 2 nội dung sau đây:
Một là: Thực hiện đường lối xã hội hóa, vận động các cấp, các ngành,các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp…ủng hộ từ thiện cho phong trào; số tiền thu được sẽ khám bệnh xét nghiệm miễn phí cho nhân dân; hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo, gia đình chính sách bị viêm gan, cắt gan, ghép gan…Nội dung này hiện nay chưa làm được, nếu có làm thì chỉ là đối phó với tình thế, chứ không giải quyết được vấn đề cơ bản vì với số người bị viêm gan virus trên 8 triệu, chi phí mỗi năm hết 660 nghìn tỷ đồng, số tiền đó Hội Gan Mật Việt Nam không có, dân còn nghèo; Đảng Nhà nước rất quan tâm, song kinh tế nước ta cũng đang gặp khó khăn. Nếu cứ như tình hình hiện nay, khi cán bộ y tế điều trị được 1 người khỏi bệnh thì lại có 2,3 người khác bị lây bệnh, cứ vòng tròn này quay chưa biết đến bao giờ chấm dứt được dịch virus viêm gan (thiếu khả thi).
Hai là: Vận động báo chí, phát thanh truyền hình vào cuộc. Đứng trước một khó khăn hết sức to lớn, gay go phức tạp, vì loại virus này độc tính cao, trên 190 nước đã kết luận nó là kẻ giết người thầm lặng. Đẩy mạnh công tác truyền thông để mọi người nhận thức được 3 đường lây chính: Lây đường máu, lây từ mẹ sang con, lây đường tình dục.
Tuyên truyền vận động toàn dân tự nguyện tham gia phòng, chống để dịch không còn cơ hội phát tán. Dịch bị chặn đứng đó là kết quả rực rỡ mà toàn thể phóng viên báo chí phát thanh truyền hình, cán bộ tuyên giáo…giúp phong trào, giúp dân, đó chính là làm phúc cho dân và trừ họa cho dân.
Ba là: Sản xuất vacxin viêm gan B và huyết thanh kháng HBV. Đây là khâu dự phòng cơ bản, có đủ vacxin an toàn, đồng thời tiêm chủng mở rộng, đảm bảo tiêm cho tất cả các trẻ sơ sinh và số người có yếu tố nguy cơ cao. Hiện nay tập quán sinh tại nhà đang là bài toán khó giải với yêu cầu tiêm vacxin viêm gan B trong 24 giờ sau khi sinh.
Bốn là: Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống lây bệnh qua các con đường như: Lây lan qua đường truyền máu, sản phẩm máu; lây từ mẹ sang con khi sinh; lây truyền qua dụng cụ y khoa, tiêm chích ma túy, xăm mình, xỏ lỗ tai…
Năm là: Xây dựng chương trình phát hiện người nhiễm virus B và C trong cộng đồng.
+ Sàng lọc phát hiện sớm cho những người bị viêm gan, xơ gan, ung thư gan trong nhóm nhiễm virus viêm gan.
+ Quản lý theo dõi chăm sóc điều trị những người nhiễm virus và các bệnh do virus viêm gan.
+ Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu toàn diện về dịch viêm gan virus, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nghiên cứu, điều trị, trong sản xuất thuốc, đặc biệt các thuốc dân tộc, củng cố phát triển ghép gan để đáp ứng cho yêu cầu điều trị đối với xơ gan, ung thư gan.
Cuộc chiến chống virus viêm gan chắc chắn còn gặp nhiều khó khăn, gay go, phức tạp. Song chúng ta chúng ta có sự quan tâm lãnh đạo của Đảng cùng với sự chung tay góp sức của tất cả các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân nhất định chúng ta ngăn chặn được dịch bệnh, để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân, vì dân có cường nước mới thịnh./.
Theo Báo Suckhoe & doisong